Hotline 024 3568 3680

0

Tin tức

Cải tạo điều kiện đất trồng canh tác hữu cơ

Khi người ta biết rằng việc trồng và thu hoạch liên tục trên cùng một vùng đất, chỉ qua một vài mùa vụ sẽ khiến nơi đó trở nên cằn cỗi đến nỗi cỏ không mọc được. Kể từ đó việc tập trung các nhóm dân định canh định cư chỉ khả thi ở gần các con sông lớn, nơi phù sa liên tục bồi đắp và hoạt động nông nghiệp có thể tái diễn hết năm này qua năm khác. Tuy nhiên với kiến thức có được đến tận bây giờ, chúng ta có thể tự tin cải tạo điều kiện đất trồng canh tác hữu cơ, giữ lại độ phì nhiêu cho các mùa vụ kế tiếp mà không sợ dinh dưỡng sói mòn hay phải sử dụng phân hóa học. Cách cải tạo đất trồng với mục đích canh tác hữu cơ sẽ không những bảo vệ đất mà còn cho ra thực phẩm sạch đạt chuẩn 100% organic.

Xác định đất mà bạn có ý định canh tác hữu cơ thiếu cái gì?

Ban đầu khi có ý định cải tạo đất hãy khảo sát 2 yếu tố quan trọng nhất – thảm thực vật và tổ chức vi sinh vật dưới lòng đất. Quan sát thảm thực vật bằng mắt có thể phán đoán được độ dày lớp mùn – lớp dinh dưỡng hữu cơ rất quan trọng. Trong khi đó, thu thập thông tin về tổ chức sinh vật trong lòng đất có thể ước tính được tốc độ tái tạo lớp mùn.

 

cấu tạo lớp mùn dinh dưỡng đất

 

Thảm thực vật nhiệt đới  

 

 

A

Thảm chỉ có cây cỏ dại và cây leo thấp dưới 25 cm.

Lớp mùn dày từ 0 đến 5 cm

Thời gian tái tạo tự nhiên 1 đến 2 tháng với điều kiện vùng đất vẫn có mưa theo chu kì

 

B

Thảm cây bao gồm cỏ và những khóm cây thấp dưới 35 cm

Lớp mùn dày từ 5 đến 10 cm

Thời gian tái tạo tự nhiên 3 tháng đến 4 tháng

 

C

 

Quần thể thực vật phức tạp hơn có thêm bụi cây cao trên 1m

Lớp mùn dày từ 10 đến 15 cm

Mất 5 tháng đến 9 tháng

 

D

Quần thể thực vật phức tạp có thêm các cây thân gỗ tuổi thọ từ 3 đến 4 năm

Lớp mùn dày 20 đến 40 cm

Mất 5 đến 7 năm

 

E

Quần xã thực vật, bao gồm tất cả các loại cây và có các cây cao to với độ mùn trên thân đủ nuôi các loại cây leo & cây bám cộng sinh.

Lớp mùn dày trên 50 cm

Mất 10 đến 15 năm

 

Căn cứ vào bảng trên, mục đích cải tạo đất trồng sẽ là cải tạo độ dày của lớp mùn cho phù hợp với cây trồng cần canh tác. Cây xà lách hoặc dưa hấu thì A và B sẽ phù hợp, bạn không cần phải cải tạo lên C, nhưng nếu bạn có ý định canh tác hữu cơ cây cam hay bưởi thì độ dày mùn cần đạt tối thiểu là C, sản phẩm cho ra tốt nhất là E – Forest Farming – một kiểu mô hình canh tác rừng nông nghiệp. Một số dự án trồng lúa hữu cơ, đã xuất hiện tại Việt Nam, yêu cầu độ dày mùn ở mức C.

Quần thể sinh vật

Canh tác hữu cơ mà loại bỏ yếu tố quần thể sinh vật thì bạn đang phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Quần thể sinh vật chính là cỗ máy tự nhiên tái tạo chất mùn trong đất. Lá cành khô, phân và xác động vật phải có sinh vật để xử lý nhanh gọn nhẹ, tăng tốc độ mùn hóa của các yếu tố trên.

Ngoài một số sinh vật đã biết như giun đất hay bọ hung có lợi cho tái tạo lớp mùn. Một số sinh vật cũng có khả năng tái tạo mùn nhưng lại gây hại cho cây trồng và năng suất. Sinh vật này cần phải có phương án kiểm soát số lượng vì tận diệt cũng gây hại cho lớp mùn hữu cơ.

Tuyến trùng hay các loài giun tròn chung hại rễ nhưng đóng vai trò tạo mùn rất quan trọng trong đất. Một mặt hại rễ của cây, mặt khác chất thải của tuyến trùng lại có ích cho chính cây do chức năng giam CO2 và chuyển hóa nitơ trong đất. Canh tác hóa học thường bón thêm các loại thuốc BVTV nhằm triệt tiêu sinh vật này trong đất. Trong canh tác hữu cơ, không thể tránh khỏi giun tròn tấn công bộ rễ cũng như không thể sử dụng thuốc BVTV. Để hạn chế, luân canh và xen canh là phương án tốt nhất giúp phân tán quần thể, làm gián đoạn vòng đời của tuyến trùng. Ngoài ra, ủ phân nóng yiếm khí để giảm đáng kể trứng của tuyến trùng trước khi bón.

Ve mạt có đến hàng nghìn loài, đa số là sinh vật kí sinh. Các bộ phận cây nói chung và các vật chất hữu cơ là thức ăn của ve. Trong khi thuốc BVTV tiêu diệt ve thì cũng đồng nghĩa loại bỏ một cách tái tạo mùn hữu cơ tự nhiên. Để kiểm soát ve, hãy trồng các cây trồng phủ đất thu hút quần thể ve như cỏ ba lá ở tầng đất bề mặt để tránh ve tấn công lên các cây trồng chính.

Ruồi & ấu trùng ruồi gây không ít rắc rối nếu trang trại trồng các cây ăn quả. Ruồi cũng như ấu trùng của nó phân hủy xác động vật và các hợp chất hữu cơ để tạo mùn rất tốt. Tuy nhiên hãy bố trí một số loại bẫy ruồi trong khoảng thời gian thụ phấn cho hoa để giảm số lượng ruồi đẻ trứng kí sinh trong cuống hoa. Ngoài ra thụ phấn bằng tay hay ong thật nhanh cũng là cách tốt nhất giảm số lượng quả bị nhiễm ấu trùng ruồi.

Nấm, vi khuẩn và virut đóng vai trò thiết yếu trong quần thể sinh vật nói chung để tái tạo lớp mùn mặc dù về mặt nào đó có thể gây hại cho cây. Nhưng mức độ cân bằng của 3 yếu tố này sẽ làm giảm đáng kể mức độ ảnh hưởng tới trang trại hữu cơ. Sự hiện diện của virut và nấm sẽ cân bằng với vi khuẩn do khả năng thực bào sẽ giúp chúng tự kiểm soát lẫn nhau mà không cần sử dụng tới thuốc BVTV gây mất cân bằng hệ sinh thái vi mô trong đất.

Phục hồi được các quần thể sinh vật trong đất cũng có ý nghĩa là đất đã được giải độc và bạn có thể dễ dàng chứng minh được trang trại của mình 100% hữu cơ (Organic) cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ uy tín.

Cải tạo bằng hệ thống thực vật kết hợp xen canh.

Nhà thực vật – nông học Mansanobu Fukuoka trong cuốn sách cách mạng 1 cọng rơm đã từng nói “Mẹ tự nhiên làm việc tốt nhất khi con người không can thiệp”. Khi chúng ta không can thiệp thì tự nhiên vẫn có thể tự tái tạo lại lớp mùn theo cách của nó nhưng với thời gian tái tạo lâu như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ lại phải can thiệp. Bằng cách nào đó chúng ta vẫn phải tác động để canh tác hữu cơ đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế. Sẽ mất thời gian nhưng vẫn nhanh hơn là “thuận theo tự nhiên”

Sau khi phân loại thảm thực vật và hệ sinh vật ta sẽ xem xét các phương pháp cải tạo đất sau

Từ A lên B, ưu tiên giữ nước bằng cây trồng phủ đất – các loại cỏ có thể kiểm soát được để chống nước hóa hơi.

Khuyến nghị: Cỏ ba lá, lạc dại, cỏ húng quế, các cây họ đậu và cỏ chăn nuôi Ghine.

Có thể sử dụng hỗn hợp đất sét, vỏ trứng, mùn cưa, lá và cành cây khô nghiền vụn và rải trên khu vực. Không nên sử dụng ngay phân hữu cơ thêm trong giai đoạn này vì rất dễ bị rửa trôi bởi mưa và kích thích cỏ dại xâm thực lấn chiếm trước khi ta có thể canh tác cây trồng.

Từ B lên C

Sử dụng vôi để cải tạo độ PH trong đất trồng cũng như trì hoãn sâu bệnh phát triển.

Từ giai đoạn này bạn có thể bắt đầu canh tác cây rau củ ngắn ngày và các loại cây bò mặt đất.

Hãy dọn dẹp các cây phủ đất, cỏ dại để lấy chỗ trồng cây và tiến hành bón lót phân hữu cơ cho những khu đất trống đó. Nên nhớ phải tiến hành ủ phân hữu cơ để giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh bùng phát trong giai đoạn đầu. Để tránh các cây cỏ dại ngoại lai xâm thực ta vẫn chừa diện tích thừa cho các cây cỏ dễ kiểm soát hơn như húng quế hoặc Ghine. Ngoài ra bạn vẫn có thể sử dụng thuốc trừ sâu sinh học được cho phép theo tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ nhưng cũng không nên lạm dụng. Ta kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại chứ không phải triệt tiêu, điều này dễ gây đột biến kháng thuốc nguy hiểm.

Một vài tổ hợp cây có thể xen canh trồng hữu cơ hiệu quả như sau:

Đậu tương, xà lách và cà rốt

Ngô, đậu đũa và bí đỏ

Lạc, nha đam và cà chua

Xen canh dựa chủ yếu dựa theo mô hình thu hoạch lá – củ - quả để tránh canh tranh dinh dưỡng hoặc cây mọc thẳng – cây leo – cây bò mặt đất để phân bổ ánh sáng hợp lý.

Trường hợp bạn muốn cải thiện lên tầng cao hơn ta phải có cách xử lý khác.

Từ C lên D hay E

Khi quyết định mô hình nông nghiệp hữu cơ cấp độ D, đồng nghĩa với việc bạn lựa chọn canh tác cây ăn quả hữu cơ và cây công nghiệp dài ngày. Lớp mùn hữu cơ phải rất dày. Hãy lựa chọn trồng các cây phụ xen canh với cây trồng chủ lực chính trước. Thời gian cải tạo có thể mất tới 5 đến 6 tháng.

Giả sử bạn muốn trồng cam hữu cơ nhưng đất mùn trong giai đoạn B, hãy trồng cỏ Ghine hoặc cỏ VA06 xen canh với chuối và đâu phụ trước để cải tạo đất. Các loại cỏ chăn nuôi gián tiếp tạo nguồn cung phân hữu cơ nếu bạn có thể kết nối với mô hình chăn nuôi hữu cơ. Tốc độ mùn hóa sẽ được cải thiện nhanh nhất có thể nhờ lượng chất thải chăn nuôi.

Ngoài ra cũng tiến hành bón lót phân hữu cơ trong giai đoạn này để gia tăng tốc độ hóa mùn. Khi lớp mùn đạt độ dày đến giai đoạn D, hãy bắt đầu áp dụng phương pháp giâm cành hoặc chiết cành từ các cây mẹ cũng được trồng theo phương pháp hữu cơ để có sức sống bền bỉ và khỏe mạnh như trong tự nhiên. Tránh trồng các cây từ vườn ươm vì đa phần được canh tác hóa học nên có sức chịu đựng kém hơn.

Ở Nhật có những vườn táo hữu cơ gần 100 năm tuổi. Để có thể canh tác nông nghiệp hữu cơ vĩ mô đem lại lợi nhuận cao đòi hỏi phải có lòng kiên trì và hiểu biết sâu về hệ sinh thái, không chỉ liên quan đến chất lượng đất mà còn về mối quan hệ giữa các quần thể và biết cách cân bằng chúng một cách tự nhiên nhất.