Hotline 024 3568 3680

0

Tin tức

Khi trồng rừng lại làm hại môi trường

Khi trồng rừng lại làm hại môi trường

“Trồng cây là một việc làm tốt”. Chúng ta vẫn thường dạy trẻ em trồng cây với một niềm tin mãnh liệt rằng mỗi một cây trồng sẽ đem lại sự bền vững cho môi trường cũng như cuộc sống của con người. Các nhà môi trường luôn vận động các cư dân và chính phủ hỗ trợ trồng hàng triệu cây xanh nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Cho tới thời điểm này, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết phục hồi hơn 350 triệu hecta diện tích rừng đến năm 2030.

Trồng cây chống biến đổi khí hậu

Trồng cây để phục hồi hệ sinh thái rừng không dễ dàng. Nó không đơn thuần là ném hạt của cây ra bãi đất trống và hàng ngày tưới nước. Cách mà người ta trồng cây phục hồi rừng lại làm các nhà nghiên cứu hệ sinh thái lo lắng. Báo cáo cuối năm 2019 cho biết hàng triệu hạt giống đã được bọc đất sét cùng với hàng ngàn gốc cây non, được phân bổ rải rác ở các đồng cỏ ở châu Phi. Nhiều nhà hoạt động môi trường tỏ ra phấn khích với chương trình này, nhưng các nhà nghiên cứu lại tỏ ra hoài nghi khi cho rằng chương trình tái sinh rừng đang phá hủy một phần của hệ sinh thái đồng cỏ, cũng quan trọng không kém trong việc thu giữ cacbon.

Khác với rừng nhiệt đới, hệ sinh thái đồng cỏ với thảm thực vật bao gồm chủ yếu các cây thân cỏ nhưng có thể lưu trữ 30% lượng cacbon nhốt trong đất. Chiếm tới 20% diện tích trên cạn, đồng cỏ còn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật có vú quen thuộc. Sư tử, bò, voi v.v cũng tạo nên một hệ sinh thái bền vững không kém gì những khu rừng nhiệt đới.

Cánh đồng cỏ cũng là nơi trú ngụ của gần 1 tỷ người trên trái đất, hàng ngày chăn thả gia súc, canh tác những cây lương thực quan trọng như kê và vừng. Hệ sinh thái đồng cỏ vốn dĩ cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bây giờ lại đối mặt thêm một mối đe dọa nữa đó là – trồng cây!

Trồng cây ồ ạt theo phong trào trên cánh đồng cỏ có thể gây nhiều hệ lụy. Nhiều người không ngờ rằng, không giống như rừng cây, đồng cỏ có thể bị suy thoái không chỉ vì mất cây mà còn có thể là do trồng thêm cây.

Nơi mà nhiều cây hơn không phải là phương án

Nhiều cây mọc lên trên cánh đồng cỏ sẽ thu hẹp khu vực sống của nhiều loài động thực vật ưa không gian mở. Cây mọc tràn lan tạo ra nhiều bóng sẽ thay đổi kết cấu của thảm thực vật dưới tán cây. Cỏ sẽ mọc thưa hơn khi bị cạnh tranh nguồn nước hiếm hoi kể cả vào mùa khô lẫn mùa mưa. Động vật ăn cỏ như linh dương hay ngựa sẽ có ít thức ăn hơn. Chưa kể trồng nhiều cây sẽ giúp nhiều động vật ăn thịt ẩn nấp dễ dàng để săn mồi, gây mất cân bằng về số lượng loài.

Voi châu Phi

Nhiều cây trên đồng cỏ cũng khiến nguồn nước từ các con sông bị giảm đi từ thượng nguồn cho tới hạ nguồn. Lượng mưa đổ theo các con suối về sông cũng sẽ giảm do số lượng cây dày đặc ngăn cản hạt mưa chạm tới đất hợp thành dòng. Mực nước sông giảm vào mùa mưa sẽ ảnh hưởng tới nhiều động vật như hà mã và cá sấu vì việc săn mồi sẽ khó khăn hơn.

Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy đồng cỏ, savanna và đất trồng cây lương thực khi biến đổi thành rừng đều khiến lưu lượng nước trong dòng chảy ngầm và suối giảm 52%. 13% trong số các dòng suối biến mất trong vòng 1 năm. Trồng một cánh rừng đồng nghĩa với việc làm xáo trộn các mạch phân bổ nước tự nhiên gây nên 1 cú sốc cho hệ sinh thái đồng cỏ vốn bền vững từ lâu.

Thay thế một đồng cỏ lâu năm thành rừng chưa chắc đã có hiệu ứng mạnh mẽ tới tình trạng của khí hậu. Các cánh đồng cỏ ở châu Phi luôn có gam màu sáng thường thấy trái ngược với gam màu tối của các cánh rừng rậm rạp. Không cần phải chứng minh khoa học, gam màu tối luôn hấp thụ nhiệt nhiều hơn 2,3% so với gam màu sáng. Từ đây hàng trăm mối nguy cơ hỏa hoạn bùng phát cũng như hạn hán xảy ra nhiều hơn với một cánh rừng chắp vá trên nền đất của một đồng cỏ.

Ngựa vằn châu Phi

Nhiều nhà khoa học còn cho rằng rừng nhiệt đới sản sinh ra O2 nhưng lại hấp thụ gần như hết vào ban đêm để giải phóng CO2 khiến việc thu hồi cacbon tổng thể vô cùng chậm. Riêng với đồng cỏ, chu kì vòng đời xoay nhanh trong 1 năm khi cây cỏ sinh sôi vào mùa mưa và chết đi vào mùa khô kết hợp với số lượng lớn động vật hoang dã hoạt động bầy đàn có thể thu giữ cacbon nhanh hơn chục lần.

Tại sao lại chọn đồng cỏ phục hồi rừng?

Liên tiếp những vụ cháy rừng xảy trên thế giới nhưng tâm điểm của hoạt động phục hồi tái tạo rừng nhiệt đới lại ở châu Phi. Tại sao lại không phục hồi rừng trên chính nơi bị tàn phá? Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, các quốc gia đã đánh đổi nhiều diện tích rừng cho các hoạt động kinh tế, làm trang trại, thủy điện, nhà máy và khu dân cư. Quy trình thì không thể đảo ngược. Đất đai cũng là tài nguyên có hạn và không phải đất nào trong tự nhiên cũng có thể phủ xanh dễ dàng. Vì thế chọn đồng cỏ như là một bước đi dễ dàng nhất để đạt “chỉ tiêu” nhanh nhất. Và các chương trình đã chọn các đồng cỏ để trồng rừng một cách chắp vá với suy nghĩ đơn giản là cứ trồng cây là có thể bù đắp cho những hành động gây tổn hại thiên nhiên.

Đồng cỏ savan