Hotline 024 3568 3680

0

Tin tức

Thiết kế hồ nước tiểu cảnh cho khu vườn

Thiết kế hồ nước tiểu cảnh cho khu vườn

Một hồ nước nho nhỏ dạng mini ở góc vườn sẽ tạo thêm không gian sống tự nhiên cho sinh vật cung như làm khu vườn bớt đơn điệu.

Thiết kế hồ nước tiểu cảnh

Ý tưởng về một hồ nước tiểu cảnh dù cao sang hay đơn giản đều tuân theo 2 kiểu thiết kế - tự nhiên và nhân tạo. Thiết kế nhân tạo phức tạp, hồ nước duy trì sinh vật bằng hệ thống máy sục ôxi, rất kén chọn quần thể cây và sinh vật. Để duy trì một hồ nước tiểu cảnh nhân tạo, người ta buộc phải cho sinh vật ăn thường xuyên (thường chỉ là cá chép cảnh), vệ sinh hồ định kì tốn nhiều công sức và chi phí. Ngược lại, thiết kế tự nhiên lại có sự lựa chọn đa dạng hơn về quần thể sinh vật có kèm theo khái niệm chuỗi thức ăn, nghĩa là bạn không quá bận tâm về việc duy trì một hồ nước tiểu cảnh vì tự thân nó có thể duy trì được.

Có một sự thật là hồ nước tiểu cảnh được người xưa vận dụng cực tốt theo nguyên lý thuận tự nhiên mà không cần máy sục ôxi, vòi phun hay thức ăn công nghiệp mà cá cảnh và cây cối lại sống rất tốt. Nếu có ý định tự làm một hồ nước tiểu cảnh hãy bắt đầu ngay với cách thiết kế tự nhiên.

Bạn có thể bắt tay vào làm hồ nước tiểu cảnh vào bất kì thời điểm trong năm nhưng hãy làm vào mùa thu hoặc cuối đông, mọi thứ sẽ dễ dàng đi vào quỹ đạo của tự nhiên nhanh chóng hơn.

Bạn sẽ cần:

Khu đất vườn rộng

Ván gỗ hoặc thang gấp thẳng với chiều dài > đường kính hồ

Tấm màng cao su lót – vật liệu làm từ nhựa butyl (PVC), bền, co dãn tốt.

Các loại thực vật thủy sinh

Những phiến đá

Thước đo nivo 

Cát & sỏi vlxd

Nước – lấy từ nước mưa

Xẻng để đào đất – có thể là xẻng mini tùy vào độ sâu của hồ mà bạn muốn.

Bước 1:

Thiết kế hồ nước tiểu cảnh

Vị trí thích hợp – nơi có nhiều ánh sáng sẽ là nơi tốt nhất để một quần thể tự nhiên phát triển. Thu hút nhiều sinh vật có ích như chuồn chuồn và ong đến làm tổ và sinh sản. Sử dụng dây thừng để đánh dấu bờ của hồ. Hãy dùng ván gỗ phẳng bắc ngang qua 2 bên bờ hồ và thước nivo để xác định chênh lệch địa hình, tránh việc đào hồ lệch không chuẩn. Ngoài ra bạn cũng sẽ cần một độ nghiêng nhất định từ bên ngoài bờ để dẫn nước mưa tự nhiên vào trong lòng hồ. Thiết kế lòng hồ nên để các chỗ nông sâu khác nhau, việc này sẽ tác động tích cực tới đa dạng sinh thái, bạn có thể bố trí nhiều loại cây khác nhau trong hồ.

Bước 2:

Thiết kế hồ nước tiểu cảnh

Loại bỏ mọi loại đá nhọn, vật thể sắc cạnh trong lòng hồ. Thiết kế các vị trí nông sâu khác nhau. Phủ lớp cát dầy 5 cm dưới đáy tại mọi vị trí nông sâu.

Bước 3:

Phủ lớp cao su lót lên toàn bộ đáy và thành hồ. Hãy cẩn thận đào một rãnh nhỏ xung quanh bờ hồ để nhét phần thừa của lớp cao su lót vào trong, sau đó dùng đá phiến chặn đè lên các rãnh đó. Bạn có thể phủ thêm một lớp cao su nữa đề phòng trường hợp sơ ý làm rách khi làm việc.

Bước 4:

Phủ thêm một lớp cát nữa vào lòng hồ.

Bước 5:

Đổ nước vào lòng hồ, đôi khi sẽ mất cả buổi để đợi. Nếu có thể hãy sử dụng nước mưa. Sử dụng nước máy thì hãy kiểm tra nồng độ clo, an toàn nhất là < 0,4 mg/lít. Bạn có thể trung hòa cả nước mưa, nước giếng với nước máy để điều chỉnh nồng độ hợp lý.

Thiết kế hồ nước mini

Khi đầy nước, lớp cao su sẽ dãn ra kéo theo các rãnh gần bờ xuất hiện một vài vết nứt, bạn nên trám lại các vết nứt này. Khi lượng nước đạt yêu cầu, dùng đất, đá phiến và cỏ lấp những mảng cao su bị lộ ra. Lớp cao su PVC dễ bị bào mòn bởi ánh nắng vì thế bạn nên che lấp toàn bộ lớp cao su này càng sớm càng tốt.

Bước 6:

Sau 1 – 2 tuần, ta có thể bắt đầu trồng những loại cây thủy sinh, nồng độ clo lúc này đã bốc hơi hoàn toàn. Chọn những cây thủy sinh bản địa là lựa chọn tốt nhất.

Bước 7:

Thiết kế hồ nước tiểu cảnh

Quan sát hệ sinh vật tự diễn biến xung quanh hồ, tuy nhiên hãy đón nhận điều hiển nhiên rằng muỗi đẻ trứng bọ gậy sẽ là sinh vật đầu tiên bạn nhìn thấy, nhưng đừng vì thế mà thả cá hay xịt thuốc vv. Đó không phải là cách thiết kế một hồ nước tiểu cảnh tự nhiên. Quan sát là để chọn thời điểm tốt nhất để bạn cân bằng lại hệ sinh thái.

Cân bằng hệ sinh thái như thế nào?

Trồng đan xen những loại cây thủy sinh là cách tốt nhất để tạo ra hệ sinh thái.

A – Thực vật thủy sinh – sinh trưởng 100% trong nước – cây sản sinh oxi hòa tan.

Một số cây tiêu biểu – Rong đuôi chó, Rêu Java, Cỏ Ngưu Mao Chiên, Thủy Cúc, Rau Má Hương. Để các loại cây nhóm A sinh trưởng tốt thì bạn nên thiết kế sao cho ánh nắng có thể chiếu xuống đáy hồ càng sâu càng tốt. Nếu lỡ đào quá sâu, hãy phủ thêm lớp cát ở dưới đáy hồ. Cây thủy sinh nhóm A có khả năng lọc nước trong bể, làm nơi trú ngụ của nhiều sinh vật cũng như tao ôxi hòa tan trong nước. Do có chỗ trú ngụ ẩn nấp nên hệ sinh vật trong hồ sẽ đa dạng hơn.

Cây thủy sinh hồ nước tiểu cảnh
Cây thủy sinh

B – Thực vật bán thủy sinh – lá của cây nổi trên mặt nước hoặc có thể chìm trong nước – tạo oxi

Một số cây tiêu biểu – Súng, Sen, Cần tây, Cỏ lươn, Rong lá ngò, Cỏ lông vẹt, Rong mái chèo. Nhóm B cũng có khả năng tạo oxi và hấp thu co2 trong nước tạo môi trường sốn tự nhiên cho các sinh vật. Những cây có bộ phận nhô lên trên mặt nước có khả năng thu hút những thiên địch có lợi như chuồn chuồn, kiểm soát tốt bọ gậy trong hồ mà không cần phải thả nhiều cá.

Cây thủy sinh

C – Thực vật ưa ngập – cây thích nghi với điều kiện ngập nước ở gốc, có thể bố trí ở khu vực nông

Các loại cỏ kê và cỏ ngập nước bản địa đều phù hợp. Các loại cây nhóm C cân bằng độ PH trong nước tạo điều kiện lý tưởng cho nhiều sinh vật khác như cua, tôm tép và các loại cá nhỏ.  

Cây bán thủy sinh

D – Thực vật ưa ẩm – cây mọc ở rìa bờ hồ, không chịu ngập tốt nhưng thích nghi với độ ẩm cao trong đất và không khí.

Lan ý, Lục thảo, Lưỡi hổ hay Khoai nước rất thích hợp để trồng xung quanh hồ. Những cây này có tác dụng chống xói mòn bờ và rửa trôi lớp dinh dưỡng từ vườn xuống hồ. Chống lại khả năng bùng phát của tảo, rất có hại cho hệ sinh thái.

Cây bán thủy sinh