Hotline 024 3568 3680

0

Tin tức

Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây cà chua đơn giản

Bạn đang muốn trồng những cây cà chua cho sản xuất đạt năng suất cao mà không bị sâu bệnh hay ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây nên ? Thiết kế nhà kính trồng cà chua đúng kỹ thuật sẽ giúp bạn giải quyết được những vấn đề trên.

Cách trồng cà chua

1. Yêu cầu xây dựng nhà kính trồng cà chua

Để trồng cà chua trong nhà kính đạt năng suất cao, quy cách nhà kính phải đạt một số tiêu chuẩn sau:

  • Khung sườn nhà kính làm bằng sắt dạng kiên cố, đòn tay, rui me làm bằng tầm vông hoặc gỗ để tránh đốt nóng bởi nhiệt làm hư mái nilon, xung quanh quây bằng lưới thưa để cho nhà đảm bảo thông thoáng tự nhiên.
  • Chiều cao hông nhà tối thiểu 4,0 m, chiều cao đến đỉnh 6,7 m; trên nóc có khoảng hở đón gió hoặc thoát hơi nóng.. Từ mặt đất lên 1 m quây bằng nilon để tránh côn trùng và nước bắn vào khi mưa. Từ 1 m trở lên đến 3 m quây  bằng lưới thưa, loại 9 lỗ/cm để thoáng gió và hạn chế tác hại của mưa tạt vào. Từ 3 m đến hết chiều cao hông quây bằng nilon để tránh mưa tạt xéo. Trong nhà lắp đặt hệ thống tưới phun mưa mịn (giảm nhiệt và tưới bổ sung), trên nóc mái lắp đặt hệ thống tưới phun mưa với mật độ 6 m để giảm nhiệt khi trời nắng nóng.
  • Trong nhà lắp hệ thống giàn treo bằng dây kẽm 3,2 ly, cách từ mặt đất lên 2,0 m để treo cà chua.

2. Thời vụ trồng cà chua trong nhà kính

Nhà kính trồng cà chua theo hướng NNCNC sẽ cho thu hoạch quanh năm và liên tục, trong đó trồng mùa mưa (tháng 4 đến tháng 10) thường cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mùa khô vì trồng trong nhà tránh được mưa lớn và hạn chế tối đa sâu bệnh hại so với bên ngoài.

Nếu trồng các giống F1 trong nước thì một năm trồng được 1,5 vụ (7-8 tháng cho 1 vụ), nếu trồng một số giống chuyên trồng trong nhà kính như Labell thì một năm được 1,2 vụ (9-10 tháng cho 1 vụ)

Sau khi trồng 1 vụ cà chua nên trồng thêm 1 vụ xà lách hoặc tần ô để luân canh cây trồng nhằm hạn chế sâu bệnh rối mới nên trồng lại cà chua.

3. Làm đất, lắp đặt hệ thống tưới, phủ bạt và trồng cây:

Làm đất: Xới xáo kỹ, bón vôi ngay khi cày lật đất, sau đó phơi ải 5-7 ngày cho đất được khô dáo và tơi xốp, trước khi trồng đất phải được xới xáo lại và bón phân lót.

  • Phân chuồng bón lót nên trải đều khi cầy lại lần cuối cùng, phân chuồng trồng cà chua phải bảo đảm hoai mục, đã được ủ, không nên dùng phân heo để trồng cà chua, chỉ nên bón phân bò là tốt nhất.
  • Lên luống: lên luống cao 20 cm, rãnh 30 cm, mặt luống rộng 1,2 m trồng hàng đôi. Khi làm đất lên luống kết hợp với bón lót các loại phân hóa học khác và trong các trường hợp rất cần thiết có thể dùng các loại thuốc phòng trừ tuyến trùng. Khi lên luống xong thì rạch giữa luống và bón các loại phân trên.

 

cà chua nhà màng

 

Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt:

Nhà kính trồng cà chua sẽ không thể thiếu thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt. Yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ sinh trưởng và năng suất.

Phủ nilon: Nhà kính trồng cà chua nên phủ nilon để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị bốc hơi, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh. Khi đã trải dây tưới xong dùng vòi hoa sen tưới ẩm đều toàn bộ mặt luống sau đó tiến hành phủ bạt, nếu trồng luống đôi thì sử dụng loại bạt 1,2 m, 1.000 m2 dùng 2 cuộn bạt loại dài 400m, nếu trồng luống đơn dùng loại bạt 0,6 m, 1.000m2 dùng 3 cuộn loại dài 400m. Khi phủ thì mặt xám trắng ở trên và mặt đen ở dưới. Phủ xong nên sử dụng dụng cụ đục lỗ chuyên dùng hoặc dùng bằng than cho vào ống sữa bò.

Mật độ, khoảng cách trồng: Nên trồng hàng đôi với khoảng cách: hàng x hàng= 60 cm, cây x cây 40 cm theo kiểu nanh sấu. Mật độ: 25.000 cây/ha. Từ 7-10 ngày sau trồng tiến hành kiểm tra trồng dặm lại các cây bị chết.

– Trồng cây: Nên trồng vào buổi chiều mát, khi trồng đặt cây nhẹ nhàng để tránh vỡ bầu, nén đất không quá chặt, nếu trồng cây ghép không lấp đất cao quá vết ghép. Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây không bị héo. Cần dự phòng 10 % cây con đúng tuổi để dặm.

4. Chăm sóc

+ Tưới nước: Lúc cây còn nhỏ cần tưới 5-6 lần, thời gian tưới 10 phút/lần (tránh tưới ẩm quá hoặc không đủ nước), sao cho đảm bảo ẩm độ cho đất: 60 -70%. Khi cây cà chua ra hoa cần lượng nước nhiều hơn, đảm bảo ẩm độ đất 70-80%.

+ Treo dây: Treo dây cho cà chua kịp thời khi cây cao 20-40 cm, treo dây giúp cây phân bố đều trên luống, thuận tiện cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

– Sử dụng dụng cụ treo và móc giữ cà chua chuyên dụng: Dụng cụ treo được giữ một đầu trên hệ thống dây treo cách mặt đất 2 m, một đầu dây buộc vào gốc cây và dùng kẹp chuyên dụng giữ cây với dây với nhau.

– Cây cao tới khoảng 30 cm lại dùng kẹp giữ thân cây với dây cho cây luôn được đỡ thao dây treo

+ Tỉa cành lá: nên tỉa bớt các lá chân, lá già phía dưới đã chuyển sang màu vàng cho ruộng cà chua được thông thoáng. Tỉa hết các nhánh phía dưới chùm hoa thứ nhất và sau đó chỉ để 1 nhánh (trên chùm hoa thứ nhất), chú ý phải tỉa nhánh đều đặn, tránh tình trạng nhánh quá lớn mới tỉa làm cho cây mất chất dinh dưỡng nuôi trái.

5. Phòng trừ sâu bệnh

– Nhà kính trồng cà chua hạn chế rất nhiều sâu bệnh hại đặc biệt là bệnh sương mai, nhưng chú ý khi đi ra vào nhà kính chăm sóc cà chua phải đóng cửa, tránh sự xâm nhập của bướm vào để trứng. Sau đây là một số thuốc nên phun phòng trừ cho cà chua trồng trong nhà kính:

– Chú ý khi phun thuốc cho cà chua trong nhà kính phải phun đúng liều lượng và nồng độ theo quy định, nếu phun quá dễ sảy ra tình trạng bị rụng hoa và hình dạng lá bị biến dạng,

  • Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera): Sâu thường đục từ giữa quả làm thối và rụng trái. Phòng trị bằng thuốc Regent, Polytrin, Karate, Sherzol, Pegasus…
  • Sâu khoang (Prodenia litura): sâu thường ăn lá, ăn bông và ăn trái non. Nên phòng trừ bằng thuốc Polytrin, Bi 58, Oncol, Regent, Polytrin, Karate, Sherzol, Pegasus…
  • Rầy mềm, rầy nhớt (Thrips spp.): chích hút nhựa, tác nhân truyền bệnh virus làm soăn lá cà chua. Phòng trừ bằng phun các loại thuốc Supracide, Polytrin, Sumibassa, Sumicombi…
  • Bọ trĩ, Bọ phấn trắng: Cần phòng trị sớm khi thấy xuất hiện để tránh nhiễm bệnh bệnh virus lây lan qua chích hút, dùng thuốc Regent, Confidor, Mosfilan, Osin…
  • Sâu vẽ bùa (Liriomyza tripholia): dùng thuốc Ofunack, Trigard, Netoxin…
  • Bênh nấm hạch (Rhizoctonia solani spp.): dùng thuốc Anvil, Validacin, Tilt, Monceren, Ditacin 8% L.
  • Bệnh đốm nâu (Clasdoporium fulvum cooke): Phun thuốc ngừa sớm với Bellkute 40WP, Daconil, Bavistin, Derosal, Carbenda,  Tilt, Pumper xịt ngừa trước khi bệnh xuất hiện.
  • Bệnh virus: (do virus TMV và CMV) tác nhân môi giới truyền bệnh do bọ phấn, bọ trĩ chích hút. Phòng trừ bằng các loại thuốc Regent, Confidor, Mosfilan…

(Lưu ý: Các thuốc giới thiệu trên đây chỉ có tính chất tham khảo vì có thể thay đổi theo thời gian và thị trường).

6. Thu hoạch, đóng gói và bảo quản

Khi quả cà chua đã phát triển đẫy, vỏ quả căng, bóng láng chuyển từ xanh sang trắng xanh là quả đã chín có thể bắt đầu thu hoạch.

Sau khi thu hoạch xong, tiến hành sơ chế và có thể tiến hành đưa đi tiêu thu ngay hoặc đưa vào bảo quản trong kho mát.

các cách trồng cà chua trong nhà kính

Smart Garden tư vấn và thiết kế hệ thống tưới tự động cũng như làm nhà kính trồng cà chua. Các bạn có thể liên hệ trực tiếp để được tư vấn

>>> THAM KHẢO THÊM: 3 cách trồng cà chua trong thùng xốp tại nhà trĩu quả