Hotline 024 3568 3680

0

Tin tức

Những nguyên nhân làm hỏng đường ống nhỏ giọt

Những nguyên nhân làm hỏng đường ống băng nhỏ giọt

Ống băng tưới nhỏ giọt hay băng nhỏ giọt được áp dụng thành công trên hàng triệu hecta nông trang. Chi phí đầu tư rẻ hơn trên mỗi một đơn vị chiều dài đường ống do tích hợp sẵn đầu tưới nhỏ giọt trên thân ống thay vì các đầu tưới rời, bắt buộc phải khoan ống để gắn kết. Thế nhưng chính lợi thế này cũng là nguyên nhân khiến độ dày và cứng của thành ống băng giảm đi để có thể kết hợp các đầu tưới nhỏ giọt trong quy trình sản xuất.

Độ dày và cứng giảm đồng nghĩa với việc khả năng chịu tổn thương cơ học của ống băng kém hơn rất nhiều. Ngoài ra các đầu tưới tích hợp sẵn có khả năng bị tắc cao hơn các đầu tưới rời. Sử dụng ống băng sẽ đòi hỏi thêm cảnh giác về các tác nhân làm hỏng hoặc tắc đường ống.

Các tổn thương cơ học với ống băng thường hay bị hiểu nhầm hoặc gặp nhiều sai sót trong khâu thẩm định nguyên nhân. Qua bài viết này, Smart Garden hi vọng sẽ giúp người nông dân đang sử dụng ống băng nhỏ giọt phân biệt rõ những tổn hại đường ống ngoài lý do lỗi sản xuất, nhanh chóng thẩm định và tìm ra nguyên nhân chính xác và áp dụng các cách phòng tránh.

Những nguyên nhân tổn hại đường ống có thể phân vào các nhóm chính sau:

  • Côn trùng, động vật gặm nhấm và các loài xâm hại
  • Lỗi lắp đặt
  • Đầu tưới tắc cơ học
  • Áp nước vượt ngưỡng
  • Hiệu ứng thấu kính

Lắp đặt theo đúng quy trình

 

  1. Các lưu ý cơ bản để lắp đặt một hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn chỉnh

Các lưu ý trên đây thực chất là nhắc lại những thông tin được cung cấp bởi nhà sản xuất cho những người dùng ống băng nhỏ giọt. Hệ thống tưới của bạn nên tuân theo những nguyên tắc này vì nó có thể giúp bạn bắt bệnh đường ống chính xác và nhanh hơn.

“Ống băng nhỏ giọt là một trong những bộ phận hoàn chỉnh của hệ thống tưới nhỏ giọt. Một hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn chỉnh cần phải được thiết kế bởi chuyên gia và quy trình lắp đặt cũng phải được thực hiện bởi các kỹ thuật viên kinh nghiệm”. Định nghĩa hoàn chỉnh bao gồm:

  • Bộ lọc tương thích với lưu lượng.
  • Bộ châm dinh dưỡng (phân) và các chất hóa học khác.
  • Hệ thống phải tính toán khả năng xả nước rửa ở mọi điểm trong đường ống theo đúng tần xuất và lượng nước.
  • Lượng chất tẩy rửa đi qua điểm giao bộ châm vào hệ thống tưới phải chuẩn xác về lượng.
  • Lưu lượng nước sau khi đi qua điểm giao của bộ châm dinh dưỡng với hệ thống tưới phải tiếp tục đi qua một bộ lọc.
  • Bộ điều áp để giới hạn áp suất nước để bảo vệ ống và đảm bảo chênh lệch áp giữa các đầu tưới không đáng kể.

chức năng xả ống nhỏ giọt

Chức năng sục rửa xả ống nhỏ giọt

  1. Ngoài ra người vận hành hệ thống cũng phải nắm được:

 

  • Thời điểm để làm sạch bộ lọc hoặc vận hành quy trình sục rửa bằng luồng nước mạnh.
  • Kiểm soát lượng phân và các chất hóa học để tránh làm tắc đầu tưới
  • Khả năng phản ứng hóa học giữa các chất xảy ra trong lòng hệ thống
  • Kỹ năng sửa chữa, xử lý sự cố đường ống. thu hồi ống để bảo trì và tái sử dụng sau mỗi thời vụ.

 

  1. Kiểm soát và phòng ngừa động vật xâm hại. Nghiên cứu kĩ càng môi trường sống và hệ sinh thái trước khi tiến hành lắp đặt hệ thống. Nên nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia để có thông tin chính xác hơn về loài và số lượng các động vật gây hại.
  2. Bảo vệ cuộn băng ống trong quá trình bảo quản và lưu trữ trong kho
  3. Sau khi lắp đặt nên test thử đường ống băng bằng cách tăng áp lực trong ống kết hợp đồng hồ áp để tìm vết nứt và rò rỉ.
  4. Thiết kế nên cân nhắc lựa chọn giữa lấp đường ống dưới đất (ống chìm) hoặc dùng ghim ống cố định trên mặt đất (ống nổi). Lấp ống chìm sẽ tránh ánh nắng giờ cao điểm làm hư hạị, giảm mức độ giãn nở ống do nhiệt độ tăng và tổn thương cơ học. Để ống nổi sẽ giúp dễ dàng bảo trì và giảm tối đa khả năng tắc đầu tưới.
  5. Tránh dùng lực kéo quá mạnh ống băng dễ gây rạn nứt đường ống.
  6. Hướng các điểm đầu tưới nhỏ giọt theo phương chỉ thiên, tránh úp đầu tưới xuống mặt đất. Cách này giúp giảm khả năng tắc đầu tưới.
  7. Xử lý các mô đất cứng đối với trường hợp lấp ống – đất cứng hút nước sẽ nặng hơn đè lên ống băng gây cản trở lưu lượng. Đất phải đạt được độ tơi xốp nhất định trước khi đi ống chìm.
  8. Căn chỉnh cài đặt mức áp đầu ra ở van điều áp nên lớn hơn thông số áp làm việc ghi trên thân ống băng. Vì áp luôn hao hụt theo chiều dài và địa hình, nếu điều chỉnh đầu ra van điều áp bằng thông số ghi trên ống băng, thì khả năng áp trung bình trên cả hệ thống sẽ dưới mức thông số đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng chuẩn của cả hệ thống.

Xác định vị trí và nguyên nhân hư hại trên đường ống

 

Trước hết bạn nên tham khảo một vài biểu hiện của hệ thống như sau:

  • Đối với đường ống chìm (A) - nước thấm ở các vị trí tưới không đồng đều

 

Dấu hiệu này không phải lúc nào cũng liên quan tới hư hại đường ống. Lưu lượng có thể đồng nhất nhưng dấu vết thẩm thấu trên mặt đất sẽ rất dị biệt ở các vị trí khác nhau.

 

Nguyên nhân:

+ Do thành phần cấu tạo đất, tỉ lệ cát, bùn và đất sét

+ Do các chất hóa học, muối vô cơ ngậm nước trong đất

+ Địa hình không bằng phẳng hoặc chiều sâu khi lấp ống

+ Mức độ tơi xốp, thoáng khí của đất

 

Thế nhưng, bán kính khoảnh đất ướt xung quanh đầu tưới giảm dần theo chiều dài của đoạn băng ống thì khả năng rất cao chỗ ống đó bị vỡ (hãy kiểm tra đoạn đó)

 

  • Đối với đường ống lộ thiên (B) – khi áp cao nước trào qua vết nứt thay vì các đầu tưới

 

Dấu hiệu này rất dễ phát hiện nhưng rất khó xác định nguyên nhân.

 

Tổng hợp lại, các nguyên nhân cho A và B có thể là:

 

+ Côn trùng cắn (A + B)

+ Chuột đồng và thỏ (A + B)

+ Chim chóc (B)

+ Tổn thương cơ học do vận chuyển, lắp đặt và phương tiện cơ giới (A +B)

+ Do cường độ ánh sáng mặt trời (B)

+ Vỡ ống do áp nước quá cao (A + B)

+ Lỗi do nhà sản xuất

 

 Các sinh vật xâm hại

 

  1. Côn trùng:

 

Vết rách trên miệng ống do côn trùng thường sờn, tơi tả và nham nhở. Một số vết cắn của côn trùng tạo nên những lỗ tròn điển hình như sâu bổ củi.

Ống nhỏ giọt thủng do côn trùng cắn

Độ dày của thành ống quyết định mức độ hư hại gây ra bởi côn trùng. Thành ống dày trên 8 mm sẽ đạt được mức chống chịu cơ bản. Trong một số trường hợp thành ống phải dày 15mm gia tăng độ cứng nếu các hệ sinh thái có sinh vật gây hại nghiêm trọng.

 

  1. Chuột đồng

 

Chuột đồng thường đào hang và gặm nhấm đường ống, gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống tưới. Nếu đường ống đi chìm, việc phát hiện hư hại có thể chậm khi mà nước rò rỉ không thấm lên mặt đất ngay mà thấm theo bề ngang và di chuyển một khoảng cách khá xa từ điểm bị rò rỉ. Việc phát hiện chậm khiến một lượng đất cát bùn đi vào hệ thống và dồn ứ gây tắc tại điểm cuối đường ống nhánh.

chuột cắn lamg thủng ống nhỏ giọt

 

Các chuyên gia thừa nhận rằng rất khó kiểm soát và xử lý những thiệt hại do chuột đồng gây ra. Hệ thống nhất thiết phải có chức năng sục rửa – xả nước để tránh đất cát đi vào từ vết thủng dồn nén lại phía cuối đường ống băng. Ngoài ra nên dùng bẫy và săn lùng để giảm thiểu số lượng chuột đồng gây hại. 

Một cách nữa để giảm thiểu tối đa mức độ gây hại từ các loài gặm nhấm là đi ống băng theo kiểu cáp treo. Thay vì chôn ngầm hoặc để lộ thiên, ta sử dụng các cọc đỡ và dây thép để treo ống băng lơ lửng. Sẽ tốn nguyên vật liệu nhiều hơn nhưng đây là giải pháp được coi là bền vững nhất để đối phó với chuột - mối gây hại được đánh giá là nghiêm trọng nhất.

Ống băng treo chống chuột

  Treo ống băng cách mặt đất 25 cm đủ để chống phá hoại từ các loại chuột

  1. Các loài gặm nhấm khác

Các loài gặm nhấm như thỏ hay chuột nhà sẽ thường để lại dấu răng và móng rõ ràng. Các vết nứt lõm có đuôi là những vết trầy xước nhỏ hằn trên thân ống và thường tương đồng đối xứng nhau giống như bộ móng và răng cửa động vật gặm nhấm.

 

  1. Chim

chim làm thủng đường ống nhỏ giọt

Đối với đường ống hở, chim không gây thiệt hại nhiều nhưng vết thủng do chim gây ra ban đầu thường là những tổn thương ít nghiêm trọng hơn (do côn trùng, găm nhấm …). Chim sử dụng mỏ để khoét sâu vào vết trầy xước trên thân ống để lấy nước sẽ làm miệng vết rách xoắn cuộn vào bên trong lòng ống.

 

Kinh nghiệm cho thấy:

 

Nghiên cứu kĩ địa chất và hệ sinh thái khu vực canh tác trước khi chọn hệ thống tưới nhỏ giọt.

 

Hãy thiết kế đường ống chìm nếu diện tích trang trại lớn để giảm thiểu khả năng gây hại của các sinh vật.

 

Thiết kế hệ thống xả nước sục rửa để vừa phát hiện nhánh ống bị tắc do cát bùn, vừa xác định vị trí đường ống thủng nhanh hơn.

 

Hãy áp dụng hình thức luân canh và xen canh trong sản xuất để phần nào biến đổi hệ sinh thái theo hướng “không hoàn toàn ưu ái cho bất kì sinh vật nào” để gây bất lợi cho quá trình sinh sản của sinh vật gây hại. Ví dụ: xen canh với hành lá có thể đuổi được thỏ, xen canh với húng lủi sẽ đuổi được chuột…

 

 

Lỗi lắp đặt

 

Lỗi lắp đặt thường gây ra bởi các miệng lưỡi sắc cạnh của các công cụ. Những vết trầy nhỏ, thủng có bán kính giống nhau, vết rạch sâu dứt khoát và đều nhau là biểu hiện của những tổn thương cơ học do máy móc hoặc công cụ gây ra.

tổn thương cơ học đường ống nhỏ giọt trong khi lắp đặt

Sẽ không đáng để bận tâm nếu bạn nhờ các chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật kinh nghiệm làm thay công việc lắp đặt. Các công ty làm việc chuyên nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cho mọi sự cố kỹ thuật liên quan. Ngoài ra khi sử dụng dịch vụ lắp đặt, bạn có nhận thêm gói bảo hành sau công trình hoàn thành.

Sự cố tắc đầu tưới

 

  1. Rễ cây xâm lấn

Rất khó để kiểm soát sự xâm lấn của rễ cây cũng như phát hiện cây bén rễ ăn sâu vào đầu vòi tưới, đặc biệt là đối với hình thức đi ống chìm. Chỉ khi cắt đôi đầu tưới thì mới có thể thấy những đoạn rễ kẹt bên trong. Trong quá trình thu hồi tái sử dụng ống băng, rễ sẽ bị đứt lìa ngay ra khỏi đầu tưới, kẹt lại đoạn rễ ẩn bên trong và người vận hành dễ sai lầm cho rằng đầu tưới chỗ đó không có vấn đề.

rễ cây làm tắc đầu tưới nhỏ giọt

Nguyên nhân rễ ăn sâu vào đầu ống tưới có 2 trường hợp:

  • Tưới không đủ nước – gián tiếp kích thích rễ cây tự động ăn sâu hơn để dò nguồn nước.
  • Tắc đầu tưới khiến tưới không đủ tại vị trí đầu tưới đó, qua đó kích thích rễ cây như trường hợp trên.

Rễ cây xâm hại tuy khó kiểm soát và phát hiện nhưng mức độ ảnh hưởng không hề nghiêm trọng.

Với cây trồng ngắn ngày, rễ quá bé để có thể gây thiệt hại cho đường ống. Nếu có kẹt một vài đoạn trong ống thì vẫn có thể xả mạnh để rễ đứt trôi về bộ lọc.

Với cây trồng lâu năm, thiết kế thường dành 4 – 6 đầu tưới cho 1 gốc cây và nếu rễ có làm tắc đầu tưới thì cơ bản cây vẫn lấy được nước.

Kết hợp với việc thu hồi bảo trì ống băng định kì, việc rễ cây phát triển làm vỡ ống băng hầu như không có.

 

  1. Các chất khoáng và rong trong thành phần nước

Cát và rong nên được lọc qua bộ lọc. Bộ lọc với tiêu chuẩn phù hợp và bảo dưỡng thay thế định kỳ sẽ loại bỏ được tất cả cát và rong.

Khác với cát và rong, căn canxi có thể đi xuyên qua lưới của bộ lọc. Cần phải tìm hiểu độ cứng của nguồn nước tưới để có thể tiến hành xả hóa chất rửa cặn đường ống đúng thời điểm để tiết kiệm chi phí. Cặn canxi cacbonat tích tụ dần trong các đầu tưới, sẽ tạo các mảng bám kẹt lại bên trong. Bụi bẩn, bùn đất và vi khuẩn sẽ bám lên mảng canxi, lâu ngày sẽ trở nên dày hơn làm tắc đầu tưới.

cặn canxi và cát làm bẩn

Cặn canxi gây tắc đường ống

Sắt oxit trong hỗn hợp nước tưới cũng là nguyên nhân gây tắc cần phải chú ý. Sử dụng nguồn nước ngầm trong nông nghiệp sẽ gặp phải một số trường hợp dòng nước ngầm đi qua các vỉa sắt tự nhiên khiến nước nhiễm phèn mà bộ lọc thông thường sẽ không có tác dụng. Tùy vào hàm lượng oxit sắt trong nước mà khả năng làm tắc các rãnh đầu tưới nghiêm trọng hơn cũng như ảnh hưởng tới cây trồng.

oxit sắt làm tắc đường ống

Oxit sắt làm tắc đường ống

Vi khuẩn tiết dịch nhầy bám dính tăng ma sát bên trong đầu tưới làm giảm khả năng tự làm sạch, dịch nhầy này kết dính bụi bẩn và các hạt vô cơ tạo thành lớp mảng làm tắc đầu tưới.

Ngoài ra còn một số yếu tố phụ khác như đất cát đi ngược vào đầu tưới do chân không hình thành trong đường ống, đất cát thâm nhập qua vết nứt…

Theo nguyên tắc bảo trì hê thống ống băng (nhất là đi ống chìm), sẽ luôn đòi hỏi phải xử lý định kì bằng hỗn hợp axit axetic hoặc các hóa chất chuyên dụng như Na2CO3 để khử cặn và khử trùng đường ống.

Xả ống để phát hiện sự cố thủng và rò rỉ sớm hơn.

 

  1. Các chất phản ứng với nhau trong thành phần hóa chất nông nghiệp

Trong một số trường hợp, chất tẩy rửa thường có tính axit nhẹ sẽ phản ứng với các loại phân bón có hàm lượng kim loại thấp (mangan, kẽm và đồng) tạo nên các hợp chất không tan, cô đặc, vón cục trong ống và làm tắc các đầu tưới.

Hóa chất gây tắc đường ống

Hóa chất kết tủa trong đường ống

Người vận hành hệ thống phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng hóa chất theo chỉ dẫn của các chuyên gia. Không nên tự ý mua hợp chất để tự tẩy rửa. Ngoài ra phải lên lịch trình sử dụng phân bón và các chất phụ gia tẩy rửa chuẩn xác để tránh lạm dụng gây ảnh hưởng tới hệ thống tưới.

 

Thủng đường ống do các nguyên nhân đặc biệt hiếm

 

  1. Áp quá cao

Áp nước thường được tính toán kĩ lưỡng trong thiết kế hệ thống tưới trước khi lắp đặt. Trong các trường hợp gây hại do áp nước, dù hiếm nhưng phần lớn là do lỗi sản phẩm. Van điều áp là nguyên nhân chính. Ống băng trong một vài trường hợp do thành ống mỏng vì lỗi sản xuất khiến áp làm việc có khả năng phá vỡ điểm yếu đó. Ngoài ra điều chỉnh bơm tăng áp không hợp lý cũng là nguyên nhân khách quan do người vận hành.

hư tổn đường ống nhỏ giọt do áp cao

Áp cao gây hiện tượng phồng rộp ống

  1. Hiệu ứng thấu kính

Hiệu ứng thấu kính do các giọt nước đọng trên thành ống (nếu đi ống nổi) tương tác với ánh nắng mặt trời như một chiếc lăng kính hội tụ làm cháy ống. Trường hợp này hiếm khi xảy ra. Nguyên nhân sâu xa được các chuyên gia lý giải như sau:

Thời tiết nắng gắt ngay sau trận mưa

Các vệt rãnh, quăn gập trên thân ống hình thành do quá trình lắp đặt khiến nước đọng lại tại điểm đó.

hiệu ứng thấu kính đốt cháy ống nhỏ giọt

                             

Mọi chi tiết về lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, xin liên hệ với tổng đài Smart Garden để được tư vấn trực tiếp.