Tin tức
Tin mới nhất
Que cắm nhỏ giọt bù áp tự làm
Bạn cần tìm loại que cắm nhỏ giọt nhưng phải có chức năng bù áp giống như các đầu tưới? Thật không may là chưa có nhà sản xuất kết hợp hình thức que cắm nhỏ giọt thường thấy với đầu tưới bù áp. Tin vui cho bạn, chúng ta có thể tự làm que cắm nhỏ giọt bù áp chỉ với một vài phụ kiện tưới đơn giản được bán ở các shop.
Chuẩn bị những phụ kiện như sau:
Tự làm que cắm nhỏ giọt bù áp sẽ không phức tạp nhưng bạn sẽ phải lựa chọn cách mà chức năng bù áp kết hợp với que cắm. Khi đó không phải tất cả các phụ kiện trên đều sử dụng.
Cách 1: Sử dụng khởi thủy + que đỡ dây + đầu tưới nhỏ giọt bù áp + ống microtube 8mm
Cách này đơn giản nhất, khi sử dụng khởi thủy dòng dây tưới microtube lên các chậu cây, đầu còn lại của microtube gắn vào đầu tưới.Ta đã kết hợp đầu tưới bù áp với que đỡ dây để tạo thành một que cắm nhỏ giọt bù áp đúng nghĩa.
Nhược điểm: Chi phí hệ thống sẽ đắt hơn khi bạn phải chi thêm đầu tưới nhỏ giọt và que đỡ dây so với que cắm nhỏ giọt đơn thuần. Nếu số lượng chậu cây nhiều, việc đục lỗ gắn khởi thủy trên thân ống chính sẽ gặp khó khăn vì khoảng cách yêu cầu giữa các khởi thủy trong hệ thống tưới nhỏ giọt là 20cm. Bạn không thể tùy ý đục nhiều lỗ khởi thủy quá sát nhau sẽ ảnh hưởng đến khả năng tưới nước chính xác của hệ thống tưới nhỏ giọt.
Cách 2: Sử dụng đầu tưới + bộ chia + que cắm nhỏ giọt + ống microtube 6mm
Thay vì gắn khởi thủy, ta gắn trực tiếp đầu tưới vào lỗ đục và kết hợp luôn các bộ chia 2 hoặc 4 để dòng dây microtube 6mm lên các que cắm nhỏ giọt tại các chậu cây. Lưu ý tính toán lưu lượng: ví dụ một đầu tưới 4l/h với bộ chia 2 sẽ cấp nước cho 2 que cắm lưu lượng 2 lít/h.
Nhược điểm: Các dây microtube 6mm nối que cắm phải có độ dài tương đương nhau để đạt được sự đồng nhất lượng nước tưới giữa các chậu. Bạn sẽ cần khá nhiều đoạn dây microtube hoặc phải bố trí lại các chậu cây để tối ưu khoảng cách. Ngoài ra các chậu cây không được đặt cao hơn 30cm tính từ gốc cây đến đường ống chính.
Cách 3: Sử dụng tất cả các phụ kiện trên chính là kết hợp giữa hai cách đầu tiên.
Dùng khởi thủy dòng dây microtube 8mm nối với đầu tưới được cố định bằng que. Dùng bộ chia 2 hoặc 4 dòng dây microtube 6mm đến các que cắm ở chậu cây. Cách này tuy phức tạp nhưng để tưới các châu cây cao hơn 30 cm so với đường ống chính thì đây là giải pháp tốt nhất. Các que cắm sẽ tưới chính xác và đều trên cùng 1 tầng chậu cây do không có chênh lệch độ cao giữa đầu tưới và que cắm.
Khi nào chúng ta cần que cắm nhỏ giọt bù áp?
Thông thường chúng ta đi ống nhỏ giọt để tưới ở khu vực bằng phẳng, thế nhưng tưới nhỏ giọt ngày nay đang trở nên thịnh hành hơn ở các khu vườn tại gia, vườn rau trong nhà. Tưới nhỏ giọt phải biến đổi để phù hợp hơn với hoàn cảnh của người trồng. Các khu vườn trong nhà thường có diện tích bé, nên phải tận dụng không gian bằng các sử dụng các giá thể nhiều tầng, giàn treo với nhiều chậu cây hơn. Ống tưới nhỏ giọt trên mặt đất sẽ không bao quát các cây ở vị trí cao hơn, còn nếu lắp cọc tưới phun thì lãng phí nước và rất mất vệ sinh. Que cắm nhỏ giọt ra đời để tối ưu hóa khả năng tưới mọi vị trí của hệ thống tưới nhỏ giọt. Thế nhưng, chúng ta chỉ cần tới mẹo làm que cắm nhỏ giọt bù áp này khi có cả 2 điều kiện sau:
+ Chúng ta chỉ cần chức năng bù áp khi mà tổng chiều dài đường ống nhỏ giọt (chỉ tính đường ống có đầu tưới) dài hơn 65m, các giá thể như chậu treo, kệ đứng cao hơn 1m. Nói cách khác, khi mà hao hụt áp do độ dài ống trở thành vấn đề khiến công suất thực của các đầu tưới bị ảnh hưởng thì bạn thực sự cần tới chức năng bù áp.
+ Vườn cây hay vườn rau của bạn cần cho ra các sản phẩm có chất lượng đồng đều dành cho mục đích thương mại. Nếu là vườn rau tự cung tự cấp thì không nhất thiết phải sử dụng tới que cắm nhỏ giọt bù áp.