Hotline 024 3568 3680

0

Tin tức

Công nghệ tưới nhỏ giọt có ưu và nhược điểm gì?

Công nghệ tưới nhỏ giọt hay còn được biết đến với tên gọi hệ thống tưới nhỏ giọt Israel, đã dần được sử dụng phổ biến trên thế giới nhờ những lợi ích tuyệt vời cho ngành nông nghiệp toàn cầu. Phương pháp này được chứng minh là phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, hạn chế sự lãng phí nước và đặc biệt là “cứu cánh” hữu hiệu cho những vùng khô hạn.

Công nghệ tưới nhỏ giọt - giải pháp hữu hiệu cho nông nghiệp vùng khô hạn

Công nghệ tưới nhỏ giọt - giải pháp hữu hiệu cho nông nghiệp vùng khô hạn

Công nghệ tưới nhỏ giọt và những lợi ích tuyệt vời trong nông nghiệp

Công nghệ tưới nhỏ giọt là phương pháp cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra đều đều từ công cụ hay thiết bị tạo giọt, đặt tại một số điểm trên mặt đất, gần gốc cây. Tưới nhỏ giọt đã có từ thời kỳ cổ đại với các bình đất sét đục lỗ cho nước thấm qua hay hệ thống ống dẫn đục lỗ tại Đức (năm 1920). Tuy nhiên, phải đến năm 1959, nhờ công sức của hai cha con Simcha BlassYeshayahu người Israel, phương pháp này mới được hoàn thiện, được biết đến với tên gọi quen thuộc “tưới nhỏ giọt Israel”.

Sự phát triển của hệ thống tưới nhỏ giọt Israel là bước đột phá lớn trong lịch sử nông nghiệp hiện đại, góp phần giải quyết bài toán hóc búa về tăng sản lượng nhưng giảm chi phí đầu vào và tiết kiệm nước cho nền nông nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước

Đến nay, công nghệ tưới nhỏ giọt được thế giới công nhận là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm đến 30 - 60% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống. Nếu sử dụng phương pháp tưới nước từ trên cao xuống chỉ có 70% lượng nước thực sự thấm vào đất, 30% còn lại bị bốc hơi. Đối với công nghệ tưới nhỏ giọt, có đến 90% lượng nước tưới được thấm xuống đất để cung cấp cho cây trồng.

Một khảo sát về tưới nhỏ giọt của GS.TS. Lê Sâm

Một khảo sát về tưới nhỏ giọt của GS.TS. Lê Sâm

Công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực

Hệ thống tưới nhỏ giọt Israel đơn giản bao gồm bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây nhỏ giọt. Phần điều khiển tự động bao gồm van điện điều khiển khu vực tưới, bộ lọc, bộ điều khiển số lần và thời gian tưới trong ngày giúp tiết kiệm nhân lực, thời gian. Đặc biệt hơn, nó còn có thêm đầu cảm ứng cắm vào đất và lắp đặt chung với hệ thống tưới nhỏ giọt. Đầu này có thể cảm ứng được độ ẩm của đất và điều khiển quá trình tưới dựa trên nguyên tắc thông minh của con người “đất khô thì tưới, đất ẩm thì ngưng”. Nông dân không cần tốn hàng giờ liền để mang nước đến từng cây mà chỉ cần vài thao tác mở đơn giản là nước sẽ tự động được tưới đủ và đều.

Tăng hiệu quả hấp thu phân bón của cây

Công nghệ tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ châm phân tự động thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát, cung cấp phân bón khi tưới tiêu. Phương pháp tưới bón này mang lại hiệu quả cao cho năng suất cây trồng vì phân bón được hòa tan trong nước và tiếp xúc trực tiếp với bộ rễ, giúp tối ưu hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trồng.

Rễ cây dễ dàng hấp thu phân bón hòa tan thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại

Rễ cây dễ dàng hấp thu phân bón hòa tan thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại

Nâng cao sức khỏe cây trồng

Hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại được thiết kế một cách thông minh nhằm đảm bảo trạng thái tốt nhất của cây với lượng dinh dưỡng vừa đủ, không thừa cũng không thiếu, sớm phát hiện tình trạng và độ ẩm của đất để hạn chế sâu bệnh hại. Một hệ thống tưới nhỏ giọt đạt yêu cầu, nhất là trong canh tác trong nhà kính và nông sản sạch, phải là một hệ thống vận hành một cách tinh tế và “cảm nhận” được sự lớn lên, phát triển từng ngày của mỗi loại cây trồng, cung cấp nước tưới và phân bón thích hợp nhất, để đạt kết quả vụ mùa như mong muốn của nhà nông.

Những hạn chế khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt

Bên cạnh những lợi ích thì công nghệ tưới nhỏ giọt còn có một số điểm hạn chế mà người sử dụng cần lưu ý để đạt được hiệu quả tối ưu.

Đòi hỏi chuyên môn cao trong sản xuất và thiết kế

Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt phụ thuộc rất nhiều vào quy mô, nhu cầu tưới tiêu và sinh trưởng của cây trồng. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất và người thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt không chỉ có kinh nghiệm về chế tạo cơ khí, điện, điện tử, tự động hoá cả lập trình trên máy tính,… mà còn phải am hiểu “tính nết” của cây trồng và các loại phân bón có thể được sử dụng. 

Yêu cầu kiến thức nền tảng đối với người vận hành trực tiếp

Các hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ được thiết kế, chế tạo dựa trên một nguyên lý chung. Thế nhưng, mỗi hệ thống đều có cách vận hành riêng, tùy thuộc loại cây trồng, thổ nhưỡng, địa hình khu vực,… Cùng một nhà sản xuất, nhưng các hệ thống tưới sẽ rất khác nhau về nguồn nước cấp, cột áp nước, đường kính và chiều dài đường ống chính, ống nhánh, khoảng cách giữa các đầu nhỏ giọt. Vì thế, để tránh mắc phải những lỗi thông thường như tắc nghẽn hệ thống, nước bơm không đều, hụt áp,… thì người sử dụng trực tiếp cần được chuyển giao công nghệ về vận hành, bảo dưỡng,… để đảm bảo hệ thống vận hành được suôn sẻ.

Công nghệ tưới nhỏ giọt và sự ứng dụng rộng rãi

Nói đến hệ thống tưới nhỏ giọt phải kể đến Tập đoàn Netafim, Israel nổi tiếng thế giới. Công nghệ tưới nhỏ giọt Israel hiện không chỉ tập trung tại những khu vực ít nguồn nước tự nhiên của các nước phát triển mà còn đang được mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Hiện, có hơn 110 quốc gia trên thế giới đang sử dụng công nghệ và thiết bị của hãng này, trong đó có Việt Nam.

Công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới

Công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới

Trên thế giới

Tại Nam Mỹ và châu Âu, tưới nhỏ giọt đã trở nên phổ biến. Tập đoàn Netafim đã nhập hợp đồng cung cấp hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt trị giá 22 triệu USD cho dự án trồng mía đường, có quy mô lớn tại Peru. Việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đang trong giai đoạn phát triển ở châu Á, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia có tỷ lệ diện tích được tưới lớn nhất thế giới. Tại Iraq, hệ thống tưới nhỏ giọt “made in Israel” chiếm được nhiều cảm tình của nông dân nước này. Một số quốc gia Trung Á cũng đang chuyển đổi từ hệ thống thuỷ lợi tưới dưới thời Liên Xô, được thiết kế cho các nông trang lớn sang biện pháp tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm nước, phù hợp với mô hình nông trang nhỏ hơn.

Tại Việt Nam

Công nghệ tưới nhỏ giọt xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2001 và công nghệ tưới tiết kiệm của Israel cũng đã được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp nước ta. Công ty Dalat Hasfarm tiên phong trong việc trồng hoa quy mô công nghiệp có đầu tư nhà kính, hệ thống điều khiển nhiệt độ, tưới nước nhỏ giọt tự động. Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt như: Trung tâm Phát triển Nông nghiệp, Lâm nghiệp Công nghệ cao Hải Phòng; Nông trường Thọ Vực Đồng Nai sử dụng tưới nhỏ giọt cho cây dứa; hệ thống tưới nhỏ giọt ở Công ty Lâm Tàu và Công ty TNHH Bonnie Farm tại Đà Lạt; hệ thống tưới nhỏ giọt cho nho tại Trung tâm Sadec Bình Thuận; hệ thống tưới nhỏ giọt cho rừng sinh thái Công ty Rạng Đông tại vùng đất cát Mũi Né Bình Thuận;…

Trên đây là thông tin về công nghệ tưới nhỏ giọt mà Smart Garden tổng hợp được. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình cân nhắc thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới cây thông minh, để khu vườn của bạn luôn tươi tốt và xanh mát.

Xem thêm: